Các lỗi phát âm Tiếng Anh phổ biến

Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu về IPA và một số cách giúp người học có thể phát âm chuẩn.
Trong quá trình học phát âm chuẩn các bạn nhiều khả năng sẽ mắc những lỗi mà các bạn không biết rằng mình đã phát âm sai cho đến khi các bạn tra lại từ điển hoặc người khác chỉ ra lỗi sai của bạn.

Sau đây mình xin liệt kê các lỗi mà người Việt hay mắc phải khi học Tiếng Anh.


I/ Bị ảnh hưởng bởi Tiếng Việt

1. Phụ âm (consonant):


a) Các phụ ở cuối từ như: /b/với /p/, /t/ với /d/, /g/ với /k/./f/, /v/, /θ/, /ð/, /s/, /z/, /ʃ//.

 

Trong tiếng Việt, người nói không phát âm những âm cuối của từ, còn tiếng Anh thì âm cuối là rất quan trọng để phân biệt các từ với nhau. Vậy nên khi nói tiếng Anh, người Việt, theo thói quen, phát âm thiếu âm cuối, dẫn đến việc gây khó hiểu cho người nghe

Ví dụ:

  • “beat” có thể được phát âm như “bee”
  • Một người Việt mới học tiếng Anh có thể phát âm từ “cap” giống từ “cab”.
  • Câu “The boys always pass the garage on their way home” có thể được phát âm giống như “The boy always pa the gara on their way home”.
     

b) Hai phụ âm /θ/và /ð/.

Người Việt thường phát âm âm /θ/ thành thâm /th/ của tiếng Việt và phát âm âm /ð/ thành âm /đ/ của tiếng Việt.

Ví dụ: Người Việt dễ phát âm TH trong từ think thành /thɪŋk/ trong khi phát âm đúng phải là /θɪŋk/ và âm TH trong từ that thành /đæt/ trong khi phát âm đúng phải là /ðæt/

 

c) Nhóm phụ âm bao gồm 2 – 3 phụ âm. Có hai loại nhóm phụ âm là phụ âm đôi như /bl/, /br/, /cl/, /cr/, v.v và phụ âm ba như /spr/, /kst/ v.v

Vì tiếng Việt không có nhóm phụ âm ở đầu từ cũng như cuối từ nên người Việt thường cảm thấy khó khăn khi phát âm các nhóm phụ âm. Thông thường, người Việt thường có xu hướng bỏ một hoặc hai phụ âm khỏi một nhóm phụ âm khó phát âm.

Ví dụ: Nhiều người không thể phát âm đúng từ fixed /fɪkst/. Họ thường phát âm thiếu một trong ba âm /k/, /s/ hoặc /t/. Kết quả là họ phát âm thành: /fɪst/, /fɪkt/ hoặc /fɪks/.

 

d) Tự ý thêm phụ âm vào cuối câu, cụ thể ở đây là âm  /s/

Ví dụ: Phát âm câu “Today it rains heavily” thành câu “Todays its rains heavilys” (Tự ý thêm “s” vào cuối mỗi từ). Đôi khi vì phát âm quá nhanh nên việc tự ý thêm các âm tiết cuối vào là chuyện rất dễ xảy ra.

 

2. Nguyên âm (vowel):

Nguyên âm dài và nguyên âm ngắn. Nguyên nhân có thể là do tiếng Việt không phân biệt nguyên âm và nguyên âm ngắn nên nhiều người mắc lỗi này.

Ví dụ: Phát âm từ beat là /bɪt/ trong khi phát âm đúng phải là /biːt/. Ngoài ra người Việt còn gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa bed và bad.

 

3. Trọng âm và ngữ điệu (stress and intonation):

a) Trọng âm (stress)

Bởi vì các từ trong tiếng Việt chỉ có một âm tiết nên người Việt thường gặp khó khăn trong việc phát âm những từ dài hơn của tiếng Anh với đúng trọng âm. Ngoài ra trọng âm trong tiếng Anh còn thay đổi theo từ loại trong khi nhiều người áp dụngtrọng âm của từ loại này cho từ loại khác.

Ví dụ: Khi gặp từ technology /tekˈnɒlədʒi/, có người phát âm thành /teknɒlə’dʒi/. Khi là tính từ technological /ˌteknəˈlɒdʒɪkl/ thì trọng âm chính cũng thay đổi từ, nhưng đôi khi từ này vẫn được phát âm /ˌtekˈnɒlədʒɪkl/

 

b) Ngữ điệu (intonation)

Không có ngữ điệu (intonation) khi nói. Trong tiếng Việt có 6 dấu nên người Việt tự do thể hiện ngữ điệu nhưng tiếng Anh lại không có dấu mà chỉ có trọng âm.
Người Việt thường không biết lên xuống ở chỗ nào và gây ra lối nói với giọng đều đều (monotone), nên người nghe không biết từ khóa trong câu là gì. Người học cần nắm vững những quy tắc cơ bản như lên giọng ở cuối câu nếu là câu hỏi và xuống giọng ở cuối câu nếu là câu trần thuật.


Ví dụ: Have you had lunch yet?
I am going to take my final exam at the end of this month.

c) Nối âm

Người Việt thường quên không nối âm khi âm cuối của từ trước là phụ âm và sau đó là nguyên âm.
Ví dụ: Put the book on top of the shelf 

 

d) Cách viết gọn của một số từ (contraction)

Người Việt thường gặp khó khăn khi phát âm các từ rút gọn như it’s có nhóm phụ âm /ts/ hay wrist’s như trong câu My wrist’s sore có cụm phụ âm /sts/.
Các bạn nên phát âm chuẩn từng âm riêng rẻ trước sau đó luyện tập dần các cụm phụ âm vì đa phần phát âm các cách viết gọn tức là phát âm các cụm phụ âm.

 

II/ Các yếu tố khác

1. Phát âm tất cả các âm có trong một từ. Nhiều bạn sợ phát âm thiếu âm trong từ nên phát âm tất cả các âm để cho chắc chắn là mình đúng. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào cũng đúng.

Ví dụ: Từ chocolate được nhiều người phát âm là /’tʃɔ:kəʊlət/nhưng phát âm đúng phải là /ˈtʃɒklət/

 

2. Không phân biệt được từ loại (part of speech) nên phát âm danh từ, động từ, trạng từ và tính từ giống nhau.

Ví dụ: Từ close có 4 chức năng bao gồm danh từ, động từ, tính từ và trạng từ, riêng danh từ có 2 cách phát âm là /kləʊs/ và /kləʊz/ (phụ thuộc vào nghĩa), nếu là động từ thì được phát âm là /kləʊz/, còn khi là tính từ và trạng từ thì được phát âm là /kləʊs/

 

3. Phát âm các từ mới theo quy tắc phát âm của các từ đã gặp. Sau đây là các từ có phát âm không theo quy tắc:

a) Các từ có –ed được phát âm là /ɪd/: Các từ được liệt kê dưới đây bao gồm tính từ, danh từ và trạng từ, không phải động từ thêm /ed/ nên không áp dụng các quy tắc phát âm /ed/ thông thường.

  • Trạng từ: unconcernedly/markedly/allegedly/supposedly/deservedly
  • Tính từ: ragged/sacred/blessed/crooked/rugged/wretched/beloved/
  • Danh từ: hatred

Riêng từ beloved có 2 cách phát âm phần –ed là /d/ và /ɪd/.

 

b) Các từ có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài như: attaché /əˈtæʃeɪ/, ballet /ˈbæleɪ/, buffet /ˈbʌfeɪ/ , résumé /ˈrezjumeɪ/, hors d’oeuvre /ˌɔː ˈdɜːv/, etc.

 

c) Các từ có âm câm (silent sounds): psychology, psychiatrist, knock, knee, lamb, plumber, etc. (Các chữ cái được in đậm là âm câm)

 

d) Các từ có cách phát âm “lạ”: quay /kiː/, suite /swiːt/, rhythm /ˈrɪðəm/, memoir  /ˈmemwɑː(r)/, etc.


Trên đây là những lỗi phổ biến mà người học Tiếng Anh hay mắc phải, để khắc phục được điều này các bạn có thể tham khảo bài Làm thế nào để phát âm chuẩn Tiếng Anh ?

 

​Cheers,
Peter Hưng - Founder of LeeRit, Tiếng Anh Mỗi Ngày