EFFORTLESS  ENGLISH ?

Gần đây tôi tình cờ thấy quảng cáo cho phương pháp “Effortless English”. Dĩ nhiên là từ effortless là một từ tạo ra nhất nhiều sự thích thú vì nếu giỏi được tiếng Anh mà không cần nỗ lực nào thì chắc chắn là nhiều người sẽ muốn theo.

 

 

Tôi đã tìm xem videos của 7 quy tắc “Effortless English” của A. J. Hoge.

Bạn có thể xem ở đây: Quy tắc 1; Quy tắc 2; Quy tắc 3 – 7 có thể thấy ở cột bên phải ở YouTube của Quy tắc 2.

Dưới đây, chúng ta tìm hiểu xem 7 quy tắc học của A. J. Hoge có ích và tốt như thế nào.

 

Effortless English Rule 1: Learn English Phrases (Học theo cụm từ)

Quy tắc nói rằng bạn nên học từ theo cụm từ chứ không phải từng tự riêng biệt. Đây là một điều mà tôi cũng rất đồng ý.

Nhân tiện đây, cũng xin nói thêm là nếu các bạn học một từ như tính từ content, bạn sẽ không thể dùng được từ này nếu bạn chỉ biết content nghĩa là hài lòng.

Bạn còn cần biết 2 mẫu câu dùng với content là:

  • content with something
  • content to do something

Và đây cũng là lí do tại sao LeeRit luôn nhắc đi nhắc lại tính chất quyết định của việc dùng một từ điển tốt, nghĩa là từ điển cung cấp được cho bạn những thông tin thiết yếu: trong đó có cách dùng từ.

Nếu bạn vẫn chưa biết một từ điển tốt, tôi khuyến khích bạn dùng từ điển Oxford Advanced Learners vì đây thật sự là một từ điển rất rất tốt.

Anyway, +1 cho quy tắc đầu tiên này.

 

Effortless English Rule 2: Do not study Grammar (Không học ngữ pháp)

Tiêu đề “Do not study Grammar” là một tiêu đề thu hút sự chú ý. Nhưng khi  bạn nghe video của chính Hoge thì bạn sẽ thấy cái ông ta thật sự nói là:

  • không học ngữ pháp “excessively” (một cách quá mức)
  • ngữ pháp là “for writing” (cho việc viết)

Khi tôi nghe tới đây thì tôi nhận ra là 7 quy tắc này không phải là 7 quy tắc học tiếng Anh, mà là 7 quy tắc để học nghe tiếng Anh.

Nhưng có lẽ là tựa đề chính xác “Effortless English Speaking” thì không ăn khách bằng “Effortless English” nên tác giả đã chọn cái tên sau.

Quan điểm của LeeRit, như đã nói trong bài Bắt đầu học tiếng Anh như thế nào, việc bạn có cần học ngữ pháp kĩ hay không tùy thuộc vào kĩ năng nào là kĩ năng bạn muốn phát triển, và điều này được quyết định bởi mục tiêu học tiếng Anh của bạn là gì.

Nếu bạn chỉ muốn nói, và nói trong tình huống giao tiếp không trang trọng thì có lẽ bạn chỉ cần học một ít ngữ pháp. Nhưng nếu bạn muốn nói đủ để đi học nước ngoài, trong các cuộc họp quan trọng ở công ty thì bạn sẽ cần nắm rõ những điểm ngữ pháp quan trọng.

Điều quan trọng ở đây có lẽ là cách bạn học: tôi khuyên bạn nên học chỉ một ít ngữ pháp rồi bắt đầu học từ vựng và trong quá trình đó tiếp tục nâng cao trình độ ngữ pháp của mình thay vì cứ ngồi học ngữ pháp mãi cho đến khi thật giỏi rồi mới chuyển qua học một kĩ năng khác. Lí do là nếu bạn không biết từ vựng, không đọc viết nghe nói được thì bạn sẽ thấy dễ chán nản.

 

Effortless English Rule 3: Listening English (Nghe tiếng Anh)

Về điểm này, ông ta nói:

  • “learn with their ears by listening” (học bằng tai thông qua nghe).
  • Để chính xác hơn, ông ta nói thêm rằng với những đoạn văn khó “reading and listening is okay” (đọc và nghe cũng okay — nghĩa là không chỉ nghe)
  • Ông ta kết luận “listening is still the most important thing” (nghe vẫn là kĩ năng quan trọng nhất).

Một lần nữa, nếu mục tiêu của bạn là nói/nghe tiếng Anh thì rõ ràng nghe tiếng Anh là trọng tâm hàng đầu. Nếu mục tiêu của bạn là phải đọc được sách báo tiếng Anh thì khả năng đọc hiểu sẽ là kĩ năng chính đối với bạn.

Một vấn đề liên quan, nếu bạn muốn làm giảm đi “chất giọng Việt” (Vietnamese accent) của mình khi nói tiếng Anh thì nghe nhiều tiếng Anh do người bản xứ nói là một điều chúng tôi nghĩ là rất quan trọng.

Khi bạn nghe giọng của người bản xứ, âm thanh và cách phát âm của họ sẽ đi vào đầu bạn; và mới một ít nỗ lực bạn sẽ có thể làm giảm đi giọng Việt của mình và có thể nói được tiếng Anh theo giọng Anh hay giọng Mỹ mà bạn muốn.

Tôi không nghĩ là bạn cần phải nói giọng Anh hay giọng Mỹ. Nhưng nếu đó là điều bạn thích, chúng tôi nghĩ bạn chỉ nên cố gắng “đổi giọng” sau khi bạn đã thật sự giỏi các kĩ năng khác. Và nếu bạn định di cư/du học ở Anh, Canada, Mỹ, Úc, etc.  thì bạn sẽ đổi giọng được dễ dàng và tự nhiên hơn nhiều khi bạn còn ở Việt Nam.

Tại sao lại dành thời gian làm một việc ở một môi trường không thích hợp, trong khi đó không phải là điều thiết yếu nhất?

 

Effortless English Rule 4: Deap learning English (Học thật sâu tiếng Anh)

Về quy tắc này, ông ta nói: “repeat what you learn again again and again” (lập lại cái bạn học thật nhiều lần). Điều này có nghĩa là bạn nên “học chậm mà chắc”.

Tôi chia sẽ quan điểm này. Và chúng tôi nghĩ quy tắc này cũng liên quan đến quy tắc 1 ở trên về việc học từ phải học cách dùng. Nếu bạn học được 10 từ đơn lẽ mà không biết dùng nó như thế nào, trong ngữ cảnh nào thì coi như bạn chỉ biết 10 từ đó để…tốn “bộ nhớ” của bạn hay…để hù dọa thiên hạ.

Bạn học chậm nhưng biết rõ cách dùng của chúng thì hơn xa việc nhìn từ thì thấy biết nghĩa mà không biết cách dùng. Bạn có thể bắt đầu với việc học Oxford 3000 từ thông dụng.

 

Effortless English Rule 5: Point Of View Stories (Những mẫu chuyện ở nhiều góc nhìn)

Tên của quy tắc này hơi khó đoán ý. Ở quy tắc này, Hoge đề xuất rằng bạn nên học thông qua những câu chuyện (ngắn) ở các thì khác nhau: câu chuyện ở thì hiện tại; rồi bạn nói lại cũng câu chuyện đó nhưng ở thì quá khứ đơn; rồi ở tương lai, …

Điều chính ở đây là ông ta đề xuất rằng bạn không cần chủ động học các thì (nghĩa là bạn không cần học cách nói ở thì hiện tại thì như thế này, quá khứ thì như thế này, vân vân) mà thông qua việc bạn nghe những mẫu chuyện và hiểu hoàn cảnh của chúng, bạn sẽ học được một cách vô thức cách dùng động từ ở các thời gian khác nhau (hiện tại, quá khức, …).

Phương pháp này khuyến khích bạn học như cách người bản xứ học tiếng Anh. Đây cũng là một cách tiếp cận hay, đặc biệt với những em còn rất nhỏ nhưng có điều kiện theo học chương trình học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.

Nhưng có một số điều bạn cần chú ý là:

  • Người bản ngữ cũng phải học ngữ pháp ở trường từ cấp 1 đến cấp 3 (cũng giống như bạn phải học môn “Tiếng Việt” ở trường)
  • Người bản ngữ giao tiếp hằng ngày 24/24 bằng tiếng Anh từ lúc mới đẻ nên có thể học được một cách “tự động”.

Bởi vậy tôi thấy có một số điểm chưa phù hợp khi áp dụng phương pháp này với người nước ngoài, trong đó có người Việt. Lí do chính là phần lớn chúng ta học tiếng Anh khi đã ra khỏi mẫu giáo (bắt đầu ở cấp 1 hay cấp 2) và chúng ta không phải lúc nào cũng nói tiếng Anh cả ngày mà chỉ nói trong một khoản thời gian hay hoàn cảnh nhất định như khi ở trong lớp hay khi giao tiếp với người nước ngoài.

Chính vì những điều này mà để cho bạn học được thì một cách “tự động” thì sẽ mất rất nhiều thời gian và rất khó trong hoàn cảnh hàng ngày chúng ta vẫn giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Việt (bạn sẽ là ngoại lệ nếu bạn được gửi đi học ở trường nước ngoài ngay tại Việt Nam từ nhỏ).

Dù vậy, điều chúng ta có thể qua quy tắc này mà tự nhắc mình là bạn cần tập nói thường xuyên, trong tất cả những lúc mà bạn có cơ hội.

 

Effortless English Rule 6: Learn Real English (Học tiếng Anh thật)

Đây là một quy tắc dễ hiểu: Hoge khuyên nên học tiếng Anh thật, tiếng Anh mà người Anh thật sự sử dụng hàng ngày, chứ không phải những đoạn đối thoại do người viết sách dàn dựng kiểu như: “Hello, I’m Mary. What’s your name?/How are you?”.

Một lần nữa, quy tắc này (chỉ) đúng nhất khi bạn muốn học nói, mà cụ thể là học giao tiếp hàng ngày. Nhưng qua quy tắc này, tôi cũng muốn nhắc bạn, đặc biệt là những bạn đã có một nền tiếng Anh vững, trong việc học thành ngữ/cụm từ tiếng Anh để sử dụng trong khi nói và viết.

Nếu bạn đọc báo, xem phim tiếng Anh hay nghe người Anh nói thì bạn sẽ thấy họ dùng rất nhiều thành ngữ.

 

Effortless English Rule 7: Answer quickly, automatically (Trả lời thật nhanh, một cách tự động)

Trong quy tắc này, ông ta đề xuất rằng bạn không nên chỉ nghe rồi lặp lại theo giáo viên mà sau khi nghe thì trả lời nhanh những câu hỏi đơn giản. Mục tiêu ở đây là giúp bạn tạo được phản xạ nhanh như khi bạn đang trò chuyện với ai đó trong thực tế.

Tôi nghĩ đây là một cách hay. Nếu việc lặp lại một đoạn văn giúp bạn cải thiện việc phát âm và sự nhuần nhuyễn trong phát âm của bạn thì việc trả lời nhanh giúp bạn quen với việc xử lí tình huống và diễn đạt ý của mình trong tiếng Anh một cách nhanh chóng.

 

Kết Luận

7 quy tắc của phương pháp “Effortless English” chú trọng vào kĩ năng nói và nghe, chứ không phải là tiếng Anh một cách tổng quát.

Và từ “Effortless” là một từ câu khách hơn là thật tế, vì nếu bạn có nhắm mắt theo sát 7 quy tắc này thì bạn cũng tốn nhiều sức lực chứ không phải là “effortless” – không tốn công sức gì.

Quả thật, không tồn tại một cách nào có thể giúp bạn giỏi tiếng Anh (hay bất kì một kĩ năng nào) mà bạn không cần phải nỗ lực, thích thú và quyết tâm.

Nhưng nói đi phải nói lại, 7 quy tắc này một lần nữa nhắc nhở chúng ta những điều quan trọng sau đây:

  • Học từ phải học cách dùng bằng cách sử dụng một từ điển tiếng Anh thật tốt như từ điển Oxford để đảm bảo rằng bạn nắm rõ cách sử dụng và hoàn cảnh sử dụng những từ mình học.
  • Dành thời gian để nghe audio/video của gười bản xứ để quen với giọng của họ và để học thêm những cụm từ, thành ngữ mà người bản xứ hay dùng.
  • Tăng tốc độ nói và trả lời trong tiếng Anh của bạn bằng cách đặc những câu hỏi đơn giản và đòi hỏi người còn lại trả lời thật nhanh đến lúc nhuần nhuyễn.

Thân chào,
Peter Hưng, Founder of LeeRit, Tiếng Anh Mỗi Ngày

Follow Peter Hưng on his blog