Nhân dịp LeeRit vừa xây dựng trang Facebook dành cho người đi làm, tôi viết bài này để chia sẻ với những bạn trẻ đã đi làm và muốn cải thiện vốn tiếng Anh của mình.
(Nếu bạn đang còn là sinh viên, bạn cũng sẽ thấy bài này có ích cho việc định hướng học tập của mình)

Người đi làm gặp khó khăn hơn học sinh, sinh viên trong việc học tiếng Anh? Đúng. Nhưng thật ra người đã đi làm không chỉ gặp khó khăn trong việc học tiếng Anh, họ gặp khó khăn khi học bất kì cái gì mới.

 

Nghe có vẻ bi quan, nhưng hình như sự thật là vậy. Và theo tôi có hai nguyên nhân chính giải thích điều này: không còn động lực để học và họ có quá nhiều tự do.

 

Không còn động lực để học

Sau 12 + 4 năm lăn lộn trên ghế nhà trường, “ra trường” được xem như đồng nghĩa với “thôi phải học”.

Việc đó bắt nguồn từ những thay đổi hết sức tự nhiên trong chu trình phát triển của một đời người: sau khi tốt nghiệp, bạn được gia đình mọi người mong đợi là sẽ có thể tự lập. Mà “tự lập” có thể được tóm tắt một cách ngắn gọn là: kiếm được tiền (và có lẽ là càng nhiều càng tốt).

Nhưng cái bẫy ở đây không phải là ở cái mục tiêu kiếm tiền, bởi lẽ kiếm tiền về bản chất là một việc tốt: mang lại giá trị cho người khác dưới một dạng nào đó (như dịch vụ hay hàng hóa) và nhận lại một giá trị tương xứng ở dạng tiền.

Cái bẫy ở đây nằm ở việc xem mục đích kiếm tiền là mục đích cuối cùng, là quan trọng nhất, đến nỗi chúng ta không có đủ thời gian để tìm hiểu mình thật sự thích gì.

Nếu tình cờ đam mê của bạn là kiếm nhiều tiền, bạn sẽ suy nghĩ cách kiếm nhiều tiền, và trong quá trình suy nghĩ tìm tòi đó, bạn sẽ không ngừng học những gì cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Như vậy thật là tốt!

Còn với nhiều người khác, những người mà, xui xẻo cho họ, đam mê lớn nhất không phải là kiếm thật nhiều tiền thì sao? Đây chính là những người dễ bị mắc bẫy nhất.

Những người này cũng lao vào kiếm tiền vì họ nghĩ rằng kiếm tiền là cái mình phải làm sau khi ra trường, một phần vì mưu sinh và một phần cũng vì cái áp lực và quán tính vô hình của xã hội, của gia đình và của bạn bè.

Như thế, họ sẽ bận rộn làm việc mà không dành đủ thời gian để khám phá cái mình thật sự đam mê [1]. Dần dần, họ sẽ quen với cái “làm” trong làm việc mà quên mất thế nào là thật sự học, là tìm tòi, là niềm vui khám phá cái mới. Và một khi họ đã quên mất cái cảm giác sung sướng đó, bạn có nghĩ họ sẽ có thể duy trì sự kiên nhẫn để học giỏi tiếng Anh, hay bất kì cái gì mới?

Và khi một người không còn học, không còn đọc, không còn tìm tòi nữa, họ cũng sẽ mất đi khả năng học và tìm hiểu kiến thức mới một cách hiệu quả.

 

Giải pháp:

Có lẽ cái mấu chốt nhất là dành đủ thời gian để phát hiện ra cái bạn thật sự thích. Và theo đuổi nó. Đó là cách tự nhiên và dễ dàng nhất để giúp một người đã “ra trường” tiếp tục con đường học, tiếp tục khám phá kiến thức mới.

Tất nhiên bạn sẽ lắc đầu và nói là làm sao có đủ thời gian, làm sao để có thể theo đuổi cái mình thích. Đó là vấn đề mà bạn, tôi, hay bất kì ai đều phải trả lời [2]. Đừng lãng tránh nó.

Và rồi nếu giỏi tiếng Anh, hay một ngoại ngữ nào đó, là thật sự cần thiết để giúp bạn đạt được cái đam mê, cái mục đích của bạn, tự động bạn sẽ có đủ động lực để học đến khi bạn giỏi. Về lâu dài, cái bạn thích sẽ tạo ra động lực mạnh hơn nhiều ý chí của bạn. (Và bạn cũng sẽ vui vẻ hơn nhiều)

Tìm phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, phương pháp học nhanh nhất là một việc tốt. Nhưng việc này chỉ có ý nghĩa sau khi bạn đã trả lời được rõ ràng là vì sao bạn muốn học giỏi tiếng Anh: liệu việc giỏi tiếng Anh có thật sự cần thiết? có thật sự giúp ích gì cho bạn trong việc đạt được cái bạn đam mê?

Dù tôi đang cùng LeeRit nổ lực xây dựng một chương trình học tiếng Anh hiệu quả nhất cho bạn, tôi phải thành thật nói với bạn rằng ngoại ngữ chỉ là phương tiện. Phương tiện chỉ có ý nghĩa nếu bạn đã biết mình muốn đi đến đâu.

 

Có quá nhiều tự do

Thỉnh thoảng tôi hay nghĩ là nếu như mình được tự do lựa chọn như bây giờ, liệu tôi có đã chọn học hết 12 năm cấp I, II, III và 4 năm đại học không?

Chắc là không. Và tôi đoán là nhiều người cũng sẽ trả lời như vậy.

Mà vậy có nghĩa là chúng ta, nếu có tự do như khi đã đi làm, hầu hết sẽ bỏ học. Nhưng đây có phải là một việc đúng?

Rõ ràng là Steve Jobs, Bill Gates và nhiều người thành công khác đã bỏ học. Nhưng đó không nên là quy tắc, vì họ là những người có khả năng định hướng cho mình, những người cực kì xuất sắc và họ cũng may mắn. Trong 100 người bỏ học, bao nhiêu người làm được gì hay trong phần đời còn lại của họ?

Và đó chính là cái nguy hiểm của tự do, là nguyên nhân khiến hầu hết người đi làm gặp khó khăn khi học tiếng Anh hay bất kỳ một kỹ năng gì.

Người đi làm có thể tự do lựa chọn hôm nay không học mà không phải giải thích quá nhiều (thay vì như khi còn đi học, họ phải viết đơn xin nghỉ và có chữ kí của ba mẹ) – Mà giải thích với ai cơ chứ?!

Người đi làm có thể tự do chọn ngày mai cũng không học, đợi đến ngày mốt hay một ngày nào đó có hứng hơn sẽ học.

Và khi ngày mốt đến, người đi làm có thể nghĩ ra một lí do gì đó để không học – mà nói đến lí do thì có một triệu lí do để họ chọn. Và vì họ vừa là người thưa trình vừa là thẩm phán, nên sau vài giây suy tư phần thẩm phán trong họ sẽ nhanh chóng đồng ý ngay.

Họ có thể quyết định hôm nay mình sẽ học ngắn hơn, vì mệt hay vì có hẹn, … (Trong khi hồi còn đi học, 7h là bắt đầu và tôi hầu như ít khi thấy bạn nào đến 7h15 và nói với giáo viên là vì có hẹn nên đến trễ).

Vì sao họ có thể đưa ra những quyết định đó? Bởi vì khi thành người đi làm, họ toàn quyền tự do quyết định cuộc sống của mình, khác với khi còn là học sinh, sinh viên.

Tự do là một quyền cơ bản, một điều tốt đẹp mà xã hội văn mình nào cũng phải trao cho những thành viên của nó.

Nhưng sở hữu tự do không phải là việc đơn giản. Ngược lại, tự do đòi hỏi một ý thức, một ý chí lớn để có thể sử dụng nó để thật sự đạt được cái mình muốn, thay vì dùng nó như là một lí do để kìm hãm sự phát triển của chính chúng ta.

 

Giải pháp:

Học hay không học?
Đi chơi hay dọn dẹp nhà cửa?
Làm việc A hay việc B?

Đó là cái khó của tự do: sự lựa chọn.

Vậy lựa chọn nào là đúng?

Chọn cái bạn thích! Bạn hãy đọc phần 1 ở trên để thấy rõ hơn.

Nhưng chọn cái bạn thích không có nghĩa là chọn cái dễ dàng cho lúc đó. Nếu đã quyết tâm giỏi tiếng Anh (vì bạn tự nguyện thích/muốn học nó, chứ không phải vì một lí do khác) thì bạn phải nhớ mục tiêu đó khi bạn sử dụng quyền tự do của mình để quyết định hôm nay có nên đi học hay không.

Tôi nhớ một lời khuyên rất hay như thế này: khi bạn đang phân vân giữa hai quyết định mà bạn thấy thích như nhau: bạn nên chọn cái mà bạn phải vất vả hơn để làm (bởi vì đầu bạn, dù chắc chắn đã trừ điểm vất vả cho lựa chọn đó, vẫn còn thích bằng lựa chọn kia; và điều này có nghĩa là bạn thật sự thích cái lựa chọn mà trong đó bạn phải vất vả hơn nhiều hơn).

 

Vài lời kết:

Để giỏi được một kĩ năng gì, có thể bạn sẽ phải mất một thời gian khá dài để hiểu và luyện tập nó.

Sau khi dành nhiều thời gian để “tu luyện”, ví dụ như học 10h tiếng Anh mỗi ngày trong nhiều ngày, hay thậm chí là vài tháng, bạn sẽ thấy hơi “chán”, đặc biệt là khi bạn đã biết được những cái cơ bản của kĩ năng đó.

Nhưng cái bạn thích là cái mà sau một thời gian, bạn sẽ lại thấy rạo rực được tiếp tục học/làm nó. Đó chính là cái bạn thật sự thích, giữa vô vàn cái bạn chỉ thích thoáng qua. Chỉ có cái bạn thật sự thích thì bạn mới có thể học/làm liên quan đến nó với một cường độ đủ lớn trong một thời gian đủ dài để bạn thành công.

Một khi bạn đã biết cái bạn thích, giới hạn ngay cái quyền tự do của mình, vì lúc này nó thường chỉ làm bạn mất đi sự tập trung vào mục tiêu của mình.

Bước 1: Tìm ra cái bạn đam mê
Bước 2: Dồn 200% sức lực để đạt được nó

Chúc bạn luôn nhiệt tình và sống hết mình cho điều mình mơ ước.
Và trong quá trình gian-khổ-nhưng-thú-vị đó, chúc bạn nhiều sức khỏe!

 

Thân Chào,
Peter Hưng
Follow Peter Hưng on his blog

Chú thích:

[1] Nhận ra cái bạn đam mê không phải là dễ: bạn cần phải phân biệt cái bạn đam mê với cái bạn thích nhất thời, với cái bạn tự áp đặt bắt chính mình phải thích.

[2] Tôi nghĩ cách hay nhất là tìm một công việc liên quan đến cái bạn thích. Bạn sẽ vừa kiếm tiền vừa được làm cái bạn thích.