Rất nhiều bạn hỏi ở Trang Facebook của LeeRit, cũng như những trang học tiếng Anh khác những câu như:
Mình mới học tiếng Anh, bắt đầu thế nào đây?
Mình muốn học tiếng Anh nhưng không biết nên bắt đầu thế nào?
Nên bắt đầu học tiếng Anh như thế nào?
Và vì có rất nhiều câu hỏi như vậy nên hôm nay LeeRit quyết định viết một bài để chia sẻ quan điểm của mình và để giúp các bạn ở đầu con đường có một nơi tham khảo.
Bắt đầu như thế nào?
Trước hết, bắt đầu như thế nào phụ thuộc vào việc…bạn muốn kết thúc như thế nào!
Một người muốn trở thành Tiger Woods chắc chắn sẽ phải bắt đầu một cách khác với một người muốn học golf chỉ để thi đấu ở trường. Nếu bạn muốn học một món để nấu cho mình ăn, bạn sẽ không muốn mất thời gian và công sức để học một cách tường tận, thấu đáo như một người muốn nấu món đó để dọn bán ở nhà hàng. Bởi vậy, câu đầu tiên bạn thật sự cần hỏi chính bạn là:
What is the level of English I want to reach?
— Đâu là trình độ tiếng Anh mà tôi ước muốn đạt đến?
Nhiều bạn nghĩ rằng đây không phải là một câu hỏi khó bởi ai cũng muốn học càng giỏi càng tốt. Điều này nhiều phần là đúng, nhất là với học sinh cấp 1, cấp 2 mới bắt đầu học tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bạn là sinh viên hay đang đi làm thì với khoản thời gian có hạn của mình, bạn có thể sẽ có một mục tiêu cụ thể hơn khi học tiếng Anh, như: đi thi TOEIC,IELTS/TOEFL,SAT, GMAT/GRE để du học, giao tiếp với đồng nghiệp người nước ngoài, và rất nhiều động lực khác.
Với mỗi bạn, khái niệm “giỏi” tiếng Anh cũng khác nhau. Với một người, “giỏi” nghĩa là làm bài kiểm tra tiếng Anh ở trường được 9 hay 10 điểm. Với một bạn khác, “giỏi” nghĩa là đi thi tiếng Anh cấp tỉnh, cấp quốc gia. Lại có bạn khác nghĩ “giỏi” là khả năng giao tiếp với người nước ngoài một cách mạch lạc và tự tin.
Chính vì vậy, khi chúng ta bắt đầu, biết rõ đâu là nơi bạn muốn đạt đến sẽ giúp định hướng rõ hơn cách học và cái cần học. Và như thế bạn sẽ đạt được đến trình độ mà bạn muốn nhanh hơn – và bạn sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Những kĩ năng quan trọng
Tổng quá, 4 kĩ năng chính mà bạn cần nắm bắt khi học ngoại ngữ là: Đọc, Viết, Nghe và Nói. Dưới đây, chúng ta thảo luận những điểm kiến thức bạn cần biết để giỏi 4 kĩ năng này.
Kĩ năng Đọc
Để đọc hiểu một đoạn văn viết bằng tiếng nước ngoài bạn cần biết ngữ pháp và từ vựng. Để hiểu được bạn không cần phải quá giỏi ngữ pháp hay từ vựng, chỉ cần nắm được những điểm cơ bản và những từ chính là bạn có thể đoán được nghĩa đoạn văn. Tất nhiên, bạn có thể hiểu được nội dung đoạn văn hay không còn tùy vào chủ đề và độ khó của đoạn văn đó, và mức độ am hiểu của bạn về chủ đề đang đọc.
Kĩ năng Viết
Bạn cần phải biết viết bản chữ cái (alphabet) của ngôn ngữ mà bạn đang học. Đối với tiếng Anh, thì người Việt nào cũng chỉ cần ít phút (hoặc không cần phút nào) là biết viết được:
a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z.
Để viết được bạn chắc chắn phải nắm rõ ngữ pháp, ít ra là nhiều hơn khi bạn chỉ cần biết đọc, vì nếu không bạn sẽ… viết không đúng ngữ pháp. Ví dụ bạn, bạn phải biết cách dùng thì cho cấu trúc: No sooner…than
Yesterday, no sooner had he reached home than it started to rain.
Nếu không nắm được cấu trúc này, bạn sẽ không biết là mình phải dùng thì Quá khứ hoàn thành (Past Perfect) ở vế No sooner và quá khứ đơn (Past Simple) ở vế than. Và bạn cũng phải biết là sau No sooner bạn phải đảo ngữ (như ở dạng câu hỏi).
Nhưng “tính không thiết yếu” của ngữ pháp nằm ở chỗ rằng khi bạn dùng sai thì hay không đảo ngữ thì người đọc vẫn có thể hiểu được. Liệu có ai cảm thấy câu dưới đây khó hiểu hơn câu ở trên?
Yesterday, no sooner he reached home than it started to rain.
Nhưng nếu bạn dùng sai thì hay không đảo ngữ, bạn đang dùng sai ngữ pháp – chúng ta sẽ thảo luận việc dùng sai ngữ pháp thì có tác hại gì một lúc khác.
Về mặt từ vựng, để viết được ví dụ trên bạn cần biết một số từ như yesterday, reach, home, start, rain. Nếu bạn không biết từ thì bạn không thể diễn tả được ý của mình.
Và ngay cả khi bạn biết qua một từ nhưng biết không rõ các sắc thái nghĩa của từ đó, bạn có thể bị hiểu nhầm hay hiểu sai ý người nói. Như câu trả lời:Not bad! là một lời khen nhưng thường bị hiểu lầm là “không tệ lắm” (nghĩa là chỉ thuần túy là “không quá tệ”).
Hơn nữa, để viết được một cách tự nhiên và đúng sắc thái từ như cách người bản xứ, bạn cũng cần biết nhiều thành ngữ (idioms). Và đây là lí do tại sao các bạn thấy LeeRit chia sẻ rất nhiều cụm từ, và thành ngữ ở Trang Facebook của LeeRit.
Kĩ năng Nghe
Kĩ năng này giống kĩ năng đọc ở chỗ bạn cần hiểu những gì đang được phát đi, nhưng thay vì qua một bài viết thì ở đây là qua âm thanh.
Để đọc được, bạn cần khả năng nhìn một từ và nhận ra đó là từ gì, còn để nghe được bạn cần nhận biết âm thanh bạn nghe tương ứng với từ hay cụm từ gì. Và để biết được điều này, bạn cần phải biết cách phát âm đúng của một từ/cụm từ. Mức độ đòi hỏi về ngữ pháp và từ vựng tương tự như Kĩ năng Đọc.
Đa số từ có cách phát âm kiểu Anh (British English) và kiểu Mỹ (American English) giống nhau. Nhưng có một số từ có cách phát âm khác nhau (như một ví dụ bạn sẽ gặp ngay ở dưới đây). Trong đa số trường hợp, bạn chỉ cần học một cách phát âm: hoặc là British English hoặc là American English. (Nếu bạn không biết nên theo cách phát âm nào, bạn hãy bắt đầu với British English – vì đây được xem là tiếng Anh “chuẩn”: giống như giọng Hà Nội được xem là giọng chuẩn.)
Kĩ năng Nói
Tương tự như kĩ năng viết ở điểm bạn phải làm cho người nghe hiểu được ý bạn muốn diễn đạt, và điều này có nghĩa là bạn cũng phải có vốn ngữ pháp và từ vựng cao. Tuy nhiên, trong giao tiếp thông thường bạn có thể chỉ cần một vốn từ nhỏ và một vài cấu trúc ngữ pháp đơn giản là có thể diễn đạt được hầu hết những điều mình muốn nói – nhưng có thể là cách diễn đạt sẽ không hay như người biết nhiều từ vựng.
Điều thiết yếu nhất của kĩ năng nói là bạn phải biết cách phát âm đúng của những từ mà bạn nói. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phát âm sai một từ? Người nghe sẽ không hiểu (hoặc khó hiểu) những từ bạn đang truyền đi! Cũng giống như khi bạn là người nghe, nếu người nói phát âm sai thì bạn sẽ thấy rất khó để hiểu.
Như một câu đó nhỏ, từlieutenantphát âm như thế nào? Nếu bạn chưa biết thì nhiều khả năng bạn sẽ đoán sai :D. Và ngay cả khi bạn đã biết từ này thì cũng với xác xuất rất cao là bạn cũng không phát âm đúng. Nếu bạn thật sự phát âm đúng thì chúc mừng bạn là một trong số rất ít người phát âm đúng từ này! (Xem đáp án ở cuối bài)
Câu trả lời & những câu hỏi mới
Như vậy, chúng ta đã điểm sơ qua những đòi hỏi thiết yếu nhất cho 4 kĩ năng chính của tiếng Anh (hay bất kì một ngôn ngữ nào khác).
Và giờ đây chúng ta có thể trả lời được câu hỏi chính:
Câu hỏi:
Mình mới học tiếng Anh, bắt đầu thế nào đây?
Câu trả lời:
Nếu bạn muốn giỏi kĩ năng nào, bắt đầu bằng việc học những điều cần thiết để giỏi kĩ năng đó như thảo luận ở trên.
Nếu bạn đọc kĩ những đòi hỏi cho 4 kĩ năng trên thì bạn sẽ thấy rằng sau cùng cả 4 kĩ năng dựa trên 2 nền tảng chính làTừ Vựng (viết và phát âm) và Ngữ Pháp.
Và bởi vậy câu hỏi ban đầu sẽ trở thành 2 câu hỏi mới:
Mình bắt đầu học Ngữ Pháp như thế nào?
Mình bắt đầu học Từ Vựng như thế nào?
Hi vọng bài viết đã giúp bạn xác định đâu là kĩ năng mà bạn muốn giỏi và giúp bạn xác định rõ đâu là những việc bạn cần làm để giỏi kĩ năng đó.
Chúc bạn sức khỏe và Học tiếng Anh ngày càng tốt.
Thân chào,
Peter Hưng
Follow Peter Hưng on his blog
Chú thích
Đáp án: lieutenant: Kiểu Anh /lefˈtenənt/; kiểu Mỹ: /luːˈtenənt/. Xem audio phát âm của từ lieutenant.
Chia sẻ suy nghĩ hay Viết câu hỏi của bạn về bài viết